Nói đến Ole Gunnar Solskjaer (trong vai trò cầu thủ) là phải nói đến bàn thắng quyết định ở thời điểm 90+2:17’’ (giây thứ 17 của phút bù giờ thứ 3) trong trận chung kết Champions League. Đội bóng của HLV Alex Ferguson lên ngôi vô địch lần đầu tiên trong kỷ nguyên Champions League, bằng một trong những cú lội ngược dòng ngoạn mục nhất trong lịch sử bóng đá. Và Solskjaer khẳng định cả hai biệt danh bất hủ trong cú ghi bàn để đời ấy. Anh luôn xứng danh “sát thủ có gương mặt trẻ thơ”. Anh cũng là “siêu dự bị” vào loại siêu đẳng nhất xưa nay. Tùy theo nội dung muốn nói về Solskjaer, người ta sẽ dùng một trong hai biệt danh ấy. Mà trong trận chung kết Champions League 1999 vừa nêu thì phải nói... cả hai mới đủ!
Sự nghiệp của Solskjaer lạ lẫm (dĩ nhiên là lạ ở cái sự hào hùng) đã đành, nhưng nó còn cho thấy trực tiếp bóng đá M.U của Ferguson trong những năm cuối thế kỷ 20 lạ như thế nào. Trước khi Solskjaer xuất hiện trong mùa hè 1996, tượng đài Eric Cantona vẫn đang sừng sững ra đấy. Andy Cole thì đã đến Old Trafford sớm hơn. Sau đó không lâu lại có thêm Dwight Yorke, và ai cũng biết Cole - Yorke là một trong những cặp tiền đạo ăn ý nhất xưa nay. Vậy, đâu là chỗ đứng cho Solskjaer?
Trận thắng 8-1 trên sân Nottingham Forest, “kỷ lục của những kỷ lục”, ngay trong mùa bóng “ăn ba” 1998/99, có thể tóm lược tất cả. Dwight Yorke mở tỷ số ngay phút thứ 2, và Andy Cole ghi bàn tiếp theo ở phút thứ 7. Trận đấu coi như ngã ngũ khi cả Yorke lẫn Cole đều có “cú đúp” cho riêng mình (vâng, đấy luôn là M.U của cặp Cole - Yorke). Còn gì để phải chờ xem khi Solskjaer vào sân trong 18 phút chót, với khoảng cách an toàn 4-1 nghiêng về phía M.U?
Bây giờ thì ai cũng biết: Solskjaer lập kỳ tích ghi thêm 4 bàn trong trận vừa nêu. Khi ấy, M.U xác lập kỷ lục về chiến thắng đậm nhất trên sân đối phương ở Premier League. Kỷ lục tiếp theo là khoảng thời gian nhanh nhất để có 4 bàn của M.U (trong 12 phút). Trận đấu chỉ có tổng cộng 10 pha dứt điểm đúng hướng khung thành, với 9 bàn thắng. Đấy cũng là một kỷ lục. Vào sân từ ghế dự bị mà ghi 4 bàn thì hẳn nhiên, đấy là một tuyên ngôn chắc nịch cho vị trí chính thức ở trận kế tiếp? Không hề. Người ta lại thấy Solskjaer trên ghế dự bị ở trận tiếp theo. Đấy mới là đỉnh điểm của những gì đáng nói về Solskjaer, cũng như cả về M.U nói chung, trong giai đoạn Solskjaer là cầu thủ.
Ngay từ lần đầu khoác áo M.U, Solskjaer đã lập công... từ ghế dự bị (ghi bàn ở thời điểm 6 phút sau khi vào sân, ở trận gặp Blackburn). Sẽ chẳng có gì để nói, nếu Solskjaer không đủ thể lực, tài năng hoặc bản lĩnh để đá chính. Trong lần đầu tiên đá chính, anh vẫn ghi bàn khá sớm (phút 22, trận gặp Nottingham Forest). Nhưng đấy có vẻ là một định mệnh: Solskjaer cứ phải là một “dự bị hạng sang”. Đến mùa thứ hai ở M.U thì Solskjaer lại “mở tài khoản” từ ghế dự bị (gỡ hòa ở phút 86 cho M.U, gặp Chelsea). Và đến mùa bóng thứ ba thì đấy là câu chuyện “4 bàn từ ghế dự bị” vừa nêu, chưa kể bàn thắng để đời đem về cho M.U chức vô địch Champions League, hoàn tất “cú ăn ba”. Khi ấy, Solskjaer chỉ vào sân ở phút 81, trong hoàn cảnh Bayern Munich đang dẫn 1-0.
Giá trị của Solskjaer không phải là 126 bàn thắng trong 366 lần khoác áo M.U. Chẳng ai xem một tiền đạo như thế là huyền thoại. Vấn đề là trong gần phân nửa số trận (150), Solskjaer chỉ vào sân từ ghế dự bị. Và trong 126 bàn thắng của anh, có 33 bàn được ghi trong khoảng hơn chục phút chót.
Trong bóng đá đỉnh cao, người ta thường thay tiền đạo vì hai nguyên nhân phổ biến. Đấy có thể là giải pháp cuối cùng, trong hoàn cảnh “kế hoạch A” đã thật sự bế tắc. Kinh nghiệm già dặn của các lão tướng thích hợp với hoàn cảnh này. Ngược lại, đấy cũng có thể là hoàn cảnh thành công mỹ mãn - trận đấu coi như ngã ngũ, đến mức độ “ai đá cũng được”. Đây lại là điều kiện dành riêng cho các tài năng trẻ. Cả hai kịch bản trái ngược như ngày và đêm ấy, rút cuộc đều thích hợp để Solskjaer tỏa sáng, với những trận đấu đáng nhớ, không thể đặc trưng hơn được nữa!
Xem trực tiếp bóng đá hôm nay miễn phí tại : http://vuive.live - http://bongtron.live - http://ghiban.live